Dưỡng sinh

Thuật phục khí và trường thọ
Có thể nhịn ăn nhiều ngày, xuống nước nhiều giờ, không thở bằng mũi miệng, chôn sống không chết…

Những công phu đặc dị ấy của các đạo sĩ là nhờ ở công phu luyện tập thuật phục khí. “Khí” là một khái niệm phổ biến chỉ về nguồn năng lượng vô hình trong vũ trụ, vạn vật, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực dưỡng sinh học, triết học, thiên văn học, y học, chiêm thuật, võ thuật… của Trung Hoa cổ đại.

Thuật phục khí còn gọi là thực khí, đại cốc, là một loại dưỡng sinh tiên thuật của Đạo giáo cổ đại. Cổ nhân cho rằng tinh khí là nguồn gốc của sinh mệnh, không có tinh khí thì không có mạng sống, mà khí trong cơ thể người với khí của trời đất tương thông với nhau, thu nạp được khí tinh hoa của trời-đất-người là phương thức dưỡng sinh trường thọ, biến hóa thành tiên. Do đó, phục khí là quá trình trao đổi năng lượng giữa người với tự nhiên vạn vật, mục đích của phục khí là thâu thái khí tinh hoa của vạn vật mà uống vào để tu luyện. “Cao Thượng Ngọc Hoàng thai tức kinh” nói rằng “Khí nhập vào thân gọi là sinh, thần lìa khỏi xác gọi là tử. Hiểu được thần khí, có thể trường sinh. Vì thế, thường giữ hư vô để dưỡng thần khí. Tâm không động niệm, không đến không đi, không ra không vào, tự nhiên thường tại. Chuyên cần thực hành, là đường đến đạo”.

Phục khí tuy là thuật dưỡng sinh của Đạo giáo nhưng không phải khởi nguồn từ Đạo giáo. Trong cuốn sách tối cổ “Sơn hải kinh” từng chép rằng từ hơn 5.000 năm trước đã có bộ lạc Kế Vô Dân không có xương, chỉ nuốt khí mà sống. Trang Tử trong “Tiêu dao du” viết rằng “Ở núi Miễu Cô Xạ có thần nhân… không ăn ngũ cốc, hít gió uống sương”. Trang Tử còn đề xướng những công pháp phục khí nay vẫn còn giá trị trong khí công như “thở khí cũ, nạp khí mới”, “hơi thở của kẻ thường nhân chỉ ở cuống họng, hơi thở của bậc chân nhân sâu đến tận gót”. Khuất Nguyên trong “Sở từ” cũng nói “… Ta theo Vương Kiều mà đùa vui, thu sáu khí mà uống, ngậm ráng mai vào tiết chính dương, giữ cho thần minh trong sáng; khí tinh hoa nhập vào mà ô uế bị trừ đi”, ông đã dùng văn học để nói về phương pháp và công hiệu của thuật “phục lục khí” (uống 6 khí).

Nội dung chủ yếu của phục khí có 3 điểm: Điều chỉnh hô hấp; Quán tưởng vạn vật ở trong tâm; Thuận ứng theo quy luật biến hóa âm dương của 4 mùa. “Uống 6 khí” là nói trong 1 năm có 6 khí, trong 1 ngày cũng có 6 khí. Đại nho Chu Hy chú giải “Sở từ”, cho rằng 6 khí là “Khí mùa xuân gọi là triêu hà, uống lúc mặt trời vừa mọc, khí nó màu vàng đỏ; khí mùa thu là luân dương, uống lúc mặt trời lặn, cũng màu vàng đỏ; khí mùa đông là khang phục, uống lúc nửa đêm ở phía bắc; khí mùa hạ là chính dương, uống lúc giữa trưa ở phương nam; thêm khí đen của trời (thiên huyền) và khí vàng của đất (địa hoàng) là lục khí

*CÁCH LUYỆN THAI TỨC THỜI NAY

Khoảng đến đời Tùy, Đường thì công phu thai tức đã đạt đến mức tinh diệu. Trong “Đạo tạng” lưu giữ nhiều trước tác về thai tức như “Ngọc Hoàng thai tức kinh”, “Thái Thượng dưỡng sinh thai tức khí kinh”…

Từ  sau đời Tống thai tức không còn là môn tu luyện riêng biệt mà được dung hợp vào thuật Nội đan, công hiệu lại càng được nâng cao rõ rệt.

“Thai tức minh” của Hồ Văn Hoàn đời Minh dạy rằng: Đầu tiên hít vào một hơi dài, nuốt xuống, tiếp đó nuốt nước bọt 36 lần, hơi thở ra vào phải thật êm sâu, trong lòng thanh tĩnh an nhiên. Chỗ tập phải yên tĩnh, tránh xa nơi ồn ào, kỵ ăn thức ăn tanh béo vì làm hại khí. Kiên trì tập luyện không chỉ trừ bệnh, lại còn trường thọ. Vương Văn Lục chú giải rằng: Phép thai tức này lấy điều chỉnh hơi thở, nuốt tân dịch để bổ nguyên khí. Mỗi giờ nên nuốt 3 lần, giờ tý (11-1 giờ sáng) nuốt thì hiệu quả dưỡng sinh cực cao vì dương khí mới sinh.

Các nhà dưỡng sinh thuộc Hiệp hội Nội đan thái cực của Trung Quốc đã chỉnh lý hơn mười phương pháp thai tức cổ để tổng hợp ra phương pháp thai tức mới như sau:

Người luyện thai tức có thể tập 1 lần trước khi ngủ và sau khi thức, tư thế nằm hay ngồi đều được. Cần nhắm mắt, tĩnh tâm, an thần, bài trừ tạp niệm. Hành khí điều tức, mũi hít sâu vào, miệng thở ra, quan trọng nhất là điều chỉnh hơi thở sao cho thật êm sâu, không để tai nghe tiếng.

Dùng mũi từ từ hít vào, đến khi đầy thì ngưng, giữ khí lại, đếm thầm từ 1 đến 120 rồi mới dùng miệng thở ra từ từ, rồi hít vào… Thời gian đầu có thể đếm từ 1 đến 10, 20… lúc không nín nổi thì thở ra. Qua một thời gian, hơi thở sẽ trở nên rất nhẹ rất êm, tựa như không thở.

Theo thời gian luyện, thời gian đếm số giữ khí trong cơ thể tăng dần lên, người chuyên cần luyện tập có thể giữ khí trong người đến số ngàn. Cát Hồng nói giữ khí được đến số 2.000 có thể phản lão hoàn đồng.

Đạo giáo cho rằng luyện công pháp thai tức là “Lấy khí hậu thiên để dẫn khí tiên thiên”, trở về trạng thái “chuyên khí chí nhu” như hài nhi. Y học hiện đại cũng như y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng công phu thai tức thông qua rèn luyện hô hấp và khống chế ý niệm có thể tăng cường sự tích tụ nguyên khí trong cơ thể, cải thiện sự vận hành khí huyết, tăng sức đề kháng, từ đó mà đạt hiệu quả nội dưỡng thân tâm, mạnh khỏe không bệnh. Luyện thai tức có thể phối hợp với các môn xoa bóp, đạo dẫn, thái cực quyền…để tăng thêm tác dụng trị liệu các bệnh phức tạp khác

2 bình luận

2 thoughts on “Dưỡng sinh

  1. trong bài viết có nói : thức 1 nhất định là phải quay từ trái qua phải , vậy mà xem video clip lại thấy quay từ phải qua trái là sao ? xin hãy giải thích !

Bình luận về bài viết này