Dưỡng sinh

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

1.Định nghĩa về KHÍ:

Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu trong khắp cơ thể theo các đường Kinh mạch vào Lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần, nhưng mắt ta không nhìn thấy được (không được lầm lẫn giữa Khí và Không Khí. Không khí là khí trời, là phương tiện để ta hô hấp trong lúc luyện Khí.) Mỗi người sinh ra đều mang trong cơ thể một lượng khí nhất định, nhiều ít tuỳ theo từng người. Ðó là Khí trời cho, tức Khí thụ hưởng từ cha mẹ, còn gọi là Tiên Thiên Khí hay Khí Bẩm Sinh. Ngoài Tiên Thiên Khí, hàng ngày con người còn tiếp thụ một lượng Khí từ bên ngoài vào cơ thể mình xuyên qua đồ ăn thức uống, không khí, ánh sáng, vũ trụ tuyến và môi trường sống nói chung.

Loại khí này gọi là Hậu Thiên Khí (tức Khí Có Sau). Khí Công: là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích luỹ và sử dụng hai loại khí nói trên. Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân Khí. Chân Khí thịnh thì người khỏe, khi suy thì người yếu, khi rối thì người bệnh, khi kiệt thì người chết. Các phương pháp luyện khí thay đổi tùy theo các Trường Phái. Ðại để có bốn Trường Phái chính: Ðạo Gia – Phật Gia – Y Gia – Võ Gia. Phương pháp của Ðạo Gia chủ yếu tạo sự kháng kiện cả thể xác và tâm hồn. Phương pháp này dạy cách phát triển trau dồi Tâm Chất và sự sống. Nghĩa là nhấn mạnh cả về hai mặt: luyện tập và suy tưởng. Phương pháp của Phật Gia đặt nặng về sự điều hòa phần Tâm, tức là gạt bỏ mọi tạp niệm để đầu óc trống rỗng, tiến đến giác ngộ.

Phương pháp của Khổng Gia lại nêu ra những “Nguyên Tắc Của Tâm Hồn!” Sự chân chính và sự rèn luyện các đức tính. Ðưa người tập vào trạng thái nghỉ ngơi, an bình và yên tĩnh. Phương pháp của Y Gia chủ trương dùng Khí Công để điều trị bệnh tật, bảo dưỡng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Phương pháp của Võ Gia nhằm xây dựng sức mạnh cá nhân, biết chấn tĩnh tinh thần khi bị tấn công hoặc để công kích địch thủ. Mặc dầu phương pháp này cũng có chức năng bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ nhưng nó khác hẳn với các Trường Phái nói trên. Tuy các phương pháp của các Trường Phái có sự khác biệt nhưng chúng vẫn không nằm ngoài ba nguyên tắc chính: Tĩnh Luyện, Ðộng Luyện, và Tĩnh Ðộng Luyện. Cả ba nguyên tắc này đều có 3 mặt: Luyện Tâm (tức Ðiều Tâm), Luyện Thở (tức Ðiều Tức) và Luyện Ngoại Hình (tức Ðiều Thân).

2.LUYỆN TĨNH CÔNG

-Luyện Tâm (Ðiều Tâm): Bắt buộc phải gạt bỏ mọi suy nghỉ, ưu tư và tình cảm để đầu óc trống rỗng hoặc phải tập trung ý niệm vào một điểm để đưa trí não vào một trạng thái đặc biệt. Cách luyện này gọi là Ðịnh Thần

-Luyện Thở (Ðiều Tức): Những bài tập thở gồm:

Hai thì: Nạp (hít vào), Xả (thở ra)

Ba thì: Nạp, Vận (nín thở lúc khí đầy phổi, đẩy khí đi toàn châu thân), Xả

Bốn thì: Nạp, Vận, Xả, Bề (ngưng thở lúc đã thở hết khí trời ra), đều phải “nhẹ và sâu”

-Luyện Ngoại Hình (Ðiều Thân): Gồm nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể qua nhiều tư thế, xuyên qua 6 cách như Ði – Ðứng – Ngồi (Bán già, kiết già)- Nằm – Quỳ  Thoa Bóp. thể tập ở hai tư thế: Ngồi hoặc nằm.  Sau đây mình trình bày 2 cách tập đơn giản và hiệu quả sau:

a.THUẬT THAI TỨC VÀ TRƯỜNG THỌ

Thai tức là môn nội khí khí công đời đời truyền thừa trong Đạo giáo, có thể gọi là môn khí công cao cấp. Khởi thủy, thai tức là một môn trong thuật phục khí, về sau dần dần phát triển thành một hệ thống công pháp độc đáo, có trước tác kinh điển thai tức riêng.

Nguyên khí là gì?

Thai tức, nói nôm na là “thở” ở trạng thái bàothai.Muốn hiểu thai tức, phục khí, phải hiểu về “nguyên khí”. Theo đạo gia, nguyên khí là chân khí tiên thiên mà con người bẩm thụ trước khi ra đời. Giai đoạn hoàn hảo nhất, sung mãn nhất của nguyên khí con người là khi còn ở trạng thái thai nhi, cơ thể chưa bị hao tổn do khí hô hấp từ mũi, miệng. Thai nhi nằm trong lòng mẹ không ăn không uống, không hít không thở, chỉ thông qua cuống nhau mà sống, đó là nhờ nguyên khí vậy. Sau khi ra đời, nguyên khí thoát ra từ miệng mũi, khí hậu thiên kéo khí tiên thiên đi. Người luyện khí là phải giữ lại, hồi phục nguyên khí để luyện thành đạo trường sinh bất lão.

Nguyên khí hay chân khí là khí vô hình, là khí được tồn dưỡng bên trong cơ thể, còn không khí chúng ta hít thở thông thường là khí hữu hình. Khí hữu hình qua sự chuyển hóa trong cơ thể có thể biến thành khí vô hình, ngoài ra thông qua tập luyện cũng có thể thúc đẩy khí vô hình sinh ra. Công năng miễn dịch, tự trị bệnh của cơ thể là nhờ ở khí vô hình, tức nguyên khí. Sự hao tổn năng lượng trong cuộc sống hằng ngày cũng không phải từ khí hữu hình mà là khí vô hình. Khi khí hữu hình được sung túc thì cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng “biến đổi về chất” (chất biến), hình thành quá trình “khí nhiều thì sinh tân dịch, tân dịch nhiều lại sinh khí”, khí huyết thịnh vượng thì khỏe mạnh, trường thọ.

Trong cơ thể, gốc của nguyên khí nằm ở huyệt Mệnh môn, tức xương cùng, giữa hai thận. Đây là vị trí quan trọng của sinh mệnh và công năng sinh dục, vì thế các nhà dưỡng sinh, thầy thuốc luôn coi Mệnh môn là nơi “tàng tinh tụ khí”. Đan điền, tức Khí hải (bụng dưới) là nơi hành khí. Đạo gia cho rằng thường xuyên chà xát, làm nóng hai vị trí này có thể bồi bổ nguyên khí, khỏe mạnh, trường thọ

Thuật luyện kim đan và trường thọ

Khí công Đạo giáo bắt nguồn từ thuật luyện đan để cầu trường sinh bất tử của các phương sĩ. Loại kim đan luyện được từ kim loại, khoáng thạch, dược liệu thì gọi là “ngoại đan”; còn khí công, bao gồm thuật đạo dẫn, thai tức, phục khí… thì gọi là “nội đan”.

Khi ngoại đan hoàn toàn thất bại vì tác dụng phụ của nó, cùng với sự phát triển của y dược học và huyền học Trung Hoa, thuật nội đan đã dần dần trở nên cực thịnh. Nội đan là phương pháp lấy cơ thể làm lò luyện, lấy ý niệm làm lửa, lấy tinh-khí-thần làm dược liệu để tu luyện. Phép luyện này không sợ thương tổn đến tính mệnh, dù không thành tiên cũng giúp đẩy lùi bệnh tật, cường thân kiện thể, diên niên ích thọ.

Cơ sở kết kim đan

Đạo giáo khí công miêu tả quá trình tu luyện tuần tự theo các bước: “Luyện tân hóa tinh – Luyện tinh hóa khí – Luyện khí hóa thần – Luyện thần hoàn hư – Luyện hư hợp đạo”, rất hiếm người luyện thành cả quy trình trên. “Tân” tức tân dịch, nước bọt; “Tinh” gồm hai dạng là nguyên tinh tiên thiên và trọc tinh hậu thiên – tức “tinh dịch”, nguyên tinh vô hình vô chất, phụ vào trọc tinh, trọc tinh xuất ra thì nguyên tinh tiêu tán. Vì vậy, Đạo giáo chủ trương luyện tinh hóa khí hoặc hoàn tinh bổ não, nên có thuyết rằng “Thuận thì thành người, nghịch thì thành tiên”, ý nói tinh xuất ra có thể tạo thành người (sinh con), còn ngược lại hóa khí thì có thể thành tiên.

Chọn tư thế đứng, ngồi hoặc nằm, nam giới úp lòng bàn tay trái lên hạ đan điền, bàn tay phải úp lên mu bàn tay trái; nữ giới thì ngược lại. Nhắm mắt nhập tĩnh, tập trung chú ý ở vùng hạ đan điền. Khi tập trung cao độ, người luyện có thể thấy khí của các đường kinh mạch quy về dưới đan điền, hình trạng giống như những sợi châu nhiều màu lưu động ở đan điền, đây gọi là “tinh khí quy nguyên”.

Lúc này cần chuyên tâm ngưng thần tụ khí, tập trung ở đan điền, điều chỉnh hơi thở trở nên càng sâu, càng dài. Lâu ngày dưới tác dụng của ý niệm, khí của kinh mạch sẽ tụ lại thành khối lớn như quả trứng, có màu đỏ hoặc vàng, trắng. Tiếp tục dùng ý niệm và ngưng thần tụ khí như trên, khối đan luyện thành sẽ dần dần chuyển sang màu ngọc trắng.

Khi đan đã thành vẫn tiếp tục luyện để dưỡng đan trở nên chắc hơn. Lúc này sau khi nhập tĩnh, điều chỉnh hô hấp sao cho lúc thở ra càng ngắn nhỏ, lúc hít vào càng sâu dài, dần dần thấy cơ bắp của mình cũng co giãn theo nhịp hô hấp. Dùng ý niệm quán tưởng khối đan từ nhỏ trở nên lớn rồi từ lớn chuyển thành nhỏ, lớn đến vô cùng, nhỏ tới cực điểm. Lúc này thể xác hòa hợp cùng đại tự nhiên làm một.

2 bình luận

2 thoughts on “Dưỡng sinh

  1. trong bài viết có nói : thức 1 nhất định là phải quay từ trái qua phải , vậy mà xem video clip lại thấy quay từ phải qua trái là sao ? xin hãy giải thích !

Bình luận về bài viết này